Thị trường viễn thông đang chứng kiến cuộc đua mới giữa VNPT và Viettel, cuộc đua về mốc doanh thu 100.000 tỷ đồng năm nay.
Theo kế hoạch ban đầu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đặt mục tiêu doanh thu cho 2010 là 94.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái. Lãnh đạo tập đoàn cho biết, năm 2009 hãng đạt doanh thu 78.600 tỷ đồng, tăng 30% và lợi nhuận đạt khoảng 13.500 tỷ đồng. Bước sang năm 2010, thị trường sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, do vậy, VNPT chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 20% và lợi nhuận trên 10%.
Nếu Viettel đạt được mục tiêu 96.000 tỷ đồng cũng đồng nghĩa vị trí số một trong làng viễn thông mà VNPT giữ suốt nhiều năm qua sẽ bị "lật đổ".Còn Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trong kế hoạch ban đầu chỉ đặt ra mốc 96.000 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm trước. Năm 2009 Viettel đạt được doanh thu 60.000 tỷ đồng, thấp hơn VNPT 18.600 tỷ đồng và đạt lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi Viettel công bố chỉ tiêu về doanh thu, VNPT cho biết hãng quyết định điều chỉnh mục tiêu tăng thêm 6.000 tỷ đồng. Hãng đang quyết tâm giữ vững vị trí số một với mục tiêu lần đầu tiên có được doanh thu 100.000 tỷ đồng và đồng thời phấn đấu tối thiểu đạt lợi nhuận 15.000 - 16.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 8.500-8.700 tỷ đồng.
Thế nhưng, với tham vọng "tước ngôi vương" của đế chế VNPT, Viettel cũng không chịu khoanh tay đứng nhìn. Phó tổng giám đốc Viettel - Nguyễn Mạnh Hùng cho VnExpress.net biết, tập đoàn này đã điều chỉnh mục tiêu doanh thu lên mức cao hơn VNPT với trên 100.000 tỷ đồng.
Giới chuyên gia nhìn nhận, cuộc chạy đua giữa các ông lớn trên thị trường viễn thông là câu chuyện không mới song câu hỏi đặt ra là cuộc đua nghìn tỷ này sẽ về đâu. Và cả VNPT - Viettel sẽ kiếm doanh thu từ các nguồn nào.
Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, hai đại gia VNPT và Viettel đều lấy nguồn thu chủ yếu từ dịch vụ thông tin di động. VNPT có 2 mạng VinaPhone và MobiFone. Thế nhưng, trong năm 2010, mục tiêu doanh thu của cả VinaPhone và MobiFone gộp lại chỉ là 61.000 tỷ đồng. Nếu hai "con" chỉ dừng lại ở mục tiêu này thì con đường mà VNPT tiến đến 100.000 tỷ đồng sẽ vô cùng khó khăn. VNPT có nguồn doanh thu từ bưu chính, Internet băng rộng, điện thoại cố định lớn hơn Viettel rất nhiều, nhưng nguồn thu này lại không thấm tháp vào đâu so với doanh thu từ dịch vụ di động.
Còn Viettel, 60% doanh thu của tập đoàn này cũng nhìn vào dịch vụ thông tin di động. Còn lại là từ các nguồn thu khác như bất động sản, phân phối điện thoại, bưu chính và Internet... Hiện nay, Viettel tiên phong trong việc "đem chuông đi đánh xứ người" khi đầu tư khai thác dịch vụ điện thoại, di động và Internet tại Lào, Campuchia và tới đây là Bangladesh... Tuy nhiên, do mới là giai đoạn đầu nên quá trình đầu tư này mới dừng ở cấp mang đi chứ chưa thể thu về.
Giới phân tích nhìn nhận thị trường viễn thông trong nước chuẩn bị đến ngưỡng bão hòa cả về phân khúc di động và cố định. Bên cạnh đó, dịch vụ mầu mỡ như di động đang vào cuộc chạy đua giảm cước rất mạnh. Cả 2 ông lớn VNPT và Viettel đã đồng loạt đề xuất phương án giảm giá 20-25% cho dịch vụ di động trong năm 2010.
Kế hoạch hạ giá này chỉ còn chờ Bộ Thông tin và Truyền thông "bấm nút" thông qua. Việc giảm cước tới 20-25% này trong bối cảnh thị trường bão hòa đồng nghĩa với việc doanh thu giảm đi, chứ không thể lấy số thuê bao tăng để bù đắp chi phí. Cũng vì thế, việc đạt doanh thu 100.000 tỷ của cả 2 đại gia viễn thông nói trên ra sao vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Trên thực tế, trong cuộc đua 100.000 tỷ này, điều mà 2 đại gia không muốn đề cập nhiều là hiệu quả kinh doanh. Cùng với sự gia tăng của doanh thu, tỷ lệ lợi nhuận giảm rất mạnh, đặc biệt là ở lĩnh vực di động - lĩnh vực được coi là trứng vàng của 2 đại gia này. Năm 2010, cùng với việc đua cung cấp 3G nhưng chưa rõ hiệu quả ra sao, cuộc đua iPhone của 2 đại gia này cũng đang vào guồng mà cả 2 phía đều cũng đang đau đầu về hiệu quả kinh doanh.
Hồng Anh